Mua bình chữa cháy loại nào?
Trên thị trường hiện đang bán phổ biến có 2 loại bình 1kg và 500ml. Bình 500 ml có ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ có thể cất giữ ở bất cứ chỗ nào nhưng chỉ dùng được một lần, phần vỏ bình mỏng. Loại bình 1kg có thể nạp lại sau khi sử dụng, vỏ bằng thép chắc chắn hơn. Tuy nhiên, trước mỗi lần nạp mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực.
Để tránh những sự cố đáng tiếc, chủ phương tiện nên để bình theo hướng dẫn; mua bình ở những cơ sở uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đặc biệt, tránh đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời và những nơi có nhiệt độ quá cao.
Các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng
Không nên đặt bình chữa cháy ở nơi có nhiệt độ cao, nơi có ánh sáng Mặt trời trực tiếp chiếu vào như khay để đồ dưới kính sau, táp-lô trước... mà nên đặt ở vị trí trong tầm với của người lái xe như dưới ghế tài xế hay chân hành khách phía trước.
Thường xuyên kiểm tra bình, đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Nếu đỗ xe dưới trời nắng lâu, bạn nên hé một chút cửa kính để không khí nóng có thể thoát ra ngoài.
Mọi bình cứu hỏa đều có ghi hạn sử dụng, vứt bỏ ngay nếu bình đã hết hạn hoặc vỏ bình có dấu hiệu rỉ sét.
Làm gì khi ô tô bị cháy?
Khi phát hiện ra đám cháy trên xe ô tô, rất nhiều trường hợp người lái bị hoảng loạn, không xử lý kịp thời và đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng cả chủ xe lẫn người xung quanh. Vậy khi gặp 1 sự cố cháy nổ trên xe ô tô, bạn cần làm gì?
Điều đầu tiên bạn cần làm sau khi phát hiện cháy trên ô tô là bình tĩnh, tấp xe vào lề đường, chú ý tránh xa các khu vực đông đúc hay có các chất dễ cháy. Ngay lập tức thông báo cho các hành khách trong xe về trường hợp cháy, đồng thời hướng dẫn mọi người thoát hiểm ra khỏi xe từ các vị trí an toàn, hô hoán cho những người xung quanh về trường hợp xe cháy, có thể yêu cầu sự giúp đỡ. Nếu như cửa xe bị kẹt thì cần dùng các vật cứng phá kính xe để thoát ra ngoài.
Thực tế, tùy vào loại tình huống cháy mà sẽ có những phương pháp xử lý khác nhau, tuy nhiên quy trình luôn luôn là: Tắt khóa điện, hô hoán nhờ người hỗ trợ chữa cháy, gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy (114).
Nguồn: khoahoc.tv