Bộ Y tế cho phép hàm lượng chì trong nước dùng để sản xuất, chế biến nước giải khát không vượt quá 0,01 mg/L. Giới hạn chì trong máu của trẻ em dưới 0,05 mg/L mới an toàn. Nếu hàm lượng này từ 0,1 đến 0,25 mg/L có thể gây suy giảm chức năng thần kinh. Một người được xác định là ngộ độc và phải điều trị khi lượng chì trong máu cao hơn 0,6 mg/L. Hàm lượng chì trong máu trên 0,25 mg/L sẽ gây đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Hàm lượng chì trong máu từ 0,5 đến 0,7 mg/L được tính là nhiễm độc vừa phải; trên 0,7mg/L là nhiễm độc nặng có thể gây co giật, tử vong.
Các chuyên gia về độc chất học khuyến cáo trên Health Sina rằng nhiễm độc chì ảnh hưởng đến trẻ em nặng nề hơn người trưởng thành. Khi nhiễm độc chì, người lớn có thể được chữa khỏi hoàn toàn song trẻ em nhiễm lượng chì thấp cũng có thể để lại di chứng suốt phần đời còn lại. Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về chỉ số thông minh (IQ) thấp, hiếu động, ảnh hưởng hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học.
Nhiễm độc chì được ghi nhận từ thời La Mã, Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại. Cho đến nay, kim loại độc hại này đã bị hạn chế sử dụng trên toàn thế giới. Nếu ngộ độc nhẹ, trẻ bỏ ăn, thường xuyên quấy khóc. Trường hợp nhiễm độc nặng, trẻ có thể tê liệt, co giật và hôn mê, thậm chí tử vong.
Người lớn nhiễm độc chì thường ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, giảm khả năng làm việc, nặng hơn có thể bị tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản. Với phụ nữ mang thai, kim loại này có thể vượt qua hàng rào nhau thai và phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.