1. Chuẩn bị trước buổi lễ
- Hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất số lượng tráp (thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ, từ 3, 5, 7 đến 15 tráp tùy nhà, còn ở miền Nam, tráp lại là số chẵn). Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phong bì lễ đen có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ của nhà gái hoặc do nhà gái thách cưới.
- Tùy số lượng tráp, nhà trai phải chuẩn bị đội nam thanh niên trẻ để bê tráp và nhà gái cũng chuẩn bị đội nữ có số lượng tương ứng để đỡ tráp.
- Hai nhà lựa chọn ra một giờ đẹp để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Tới đúng ngày đã định, đoàn đại diện nhà trai sẽ lên đường tới nhà gái.
- Để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ, gia đình nhà trai cần tính toán thời gian đi lại cũng như các trở ngại trên đường. Tốt nhất nhà trai nên đi sớm trước giờ làm lễ khoảng 30 phút để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị.
2. Màn chào hỏi và trao lễ vật
- Khi tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan.
- Sau khi hai nhà chào hỏi, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ mâm quả vào nhà.
- Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, nhà trai sẽ chuẩn bị phong bao và đưa cho đội nam, nhà gái sẽ chuẩn bị số phong bao tương ứng đưa cho đội nữ. Số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.
3. Mời nước, trò chuyện
- Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình.
- Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do và giới thiệu về các mâm quả mà nhà trai mang đến.
- Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn, chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.
- Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp.
4. Cô dâu ra mắt hai gia đình
- Gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai (trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi).
- Cô dâu sẽ xuống chào hỏi và rót nước mời gia đình chú rể, ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
5. Thắp hương trên bàn thờ của nhà gái
- Sau khi cô dâu ra mắt, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên.
- Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
6. Bàn bạc về lễ cưới
- Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai nhà sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới.
- Trong thời gian đó, cô dâu chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
7. Nhà gái lại quả cho nhà trai
- Nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Lưu ý, khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại.
- Nhà gái trao đồ lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép ra về.
- Sau khi đã kết thúc lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mời tất cả các thành viên có mặt cùng ở lại dùng bữa cơm thân mật. Trong trường hợp nhà trai ở xa, nhà gái cũng sẽ mời nhà trai ở lại dùng cơm luôn. Tuy nhiên việc này phải được thống nhất từ trước để nhà gái có kế hoạch đặt cỗ và chuẩn bị tiếp đón chu đáo.
Thông thường, lễ ăn hỏi diễn ra trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Tuy nghi lễ không quá phức tạp nhưng đây được coi như lễ đính ước truyền thống không thể thiếu trong đám cưới Việt Nam, nên dù cô dâu chú rể hiện đại vẫn cần phải tuân thủ cũng như thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi để đám cưới được diễn ra suôn sẻ.
http://chothuexe.pro.vn Nguồn internet